Sinh hoạt Hậu cung nhà Thanh

Vai trò Hậu phi

Tranh vẽ thời Đạo Quang về Xuân Quý nhân (trái) cùng Mân Quý phi (phải) trong Ngự hoa viên.

Trong phim ảnh và tiểu thuyết, lối sống của Hậu phi nhìn chung bị lý tưởng hóa quá mức. Do ảnh hưởng từ cách đối đãi từ hậu cung nhà Minh, triều Thanh cũng khắt khe với Hậu phi. Tuy rằng họ căn bản là ăn uống không lo, nhưng họ căn bản không có quyền hành, cũng không có ảnh hưởng chính trị nếu không có địa vị như Từ Hi Thái hậu, cuộc sống của họ phụ thuộc vào quyết định từ Hoàng đế.

Sách Thanh triều xuyên việt chỉ nam (清朝穿越指南) của học giả Quất Huyền Nhã (橘玄雅) có chỉ ra rằng, sau khi vào cung thì Hậu phi không thể liên lạc với nhà mẹ. Việc người nhà thăm Hậu phi là gần như không thể, mà chỉ tùy theo "Đặc chỉ" trong một dịp nào đó, Hậu phi mới có thể cùng nhà mẹ gặp một chút. Khi Hậu phi có thai, ngoài việc được triều đình chu cấp bà đỡ (Lão lão) và các Thái y, Hoàng đế sẽ thường ân chuẩn cho người nhà của Hậu phi vào thăm, đây được xem là một đặc ân vì có công lao sinh hạ Hoàng tự cho hoàng thất. Còn ngoài ra, dẫu gia đình có chuyện đến tan cửa nát nhà, Hậu phi chỉ có thể được cho phép phái một thái giám hay một cung nữ thân cận đến nhà mẹ đẻ mà an ủi. Đến khi Từ Hi Thái hậu nắm quyền, những quy tắc này tuy cũng giảm bớt nhưng không thể hoàn toàn bị bãi bỏ, cho thấy đến cả Thái hậu cũng không có tư cách bỏ là bỏ.

Về vấn đề tài sản và lương bổng, sau khi vào cung thì Hậu phi không thể mang bất cứ vật gì hoặc người hầu riêng từ nhà mẹ vào cung, và Hậu phi mỗi tháng nhận lương thường chỉ có thể dùng ban cho thái giám hay cung nữ, không thể mang ra ngoài đưa cho nhà mẹ. Cao Tông từng có một chỉ huấn về việc này:

  • 「"Các ngươi nghiêm dụ đến các Thủ lĩnh Thái giám, phàm mọi việc trong cung không được truyền ra ngoài, ngược lại cũng không được phép đem chuyện bên ngoài vào trong cung. Đến như các vật mà chư vị Thái phi hưởng, đều do Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ban tặng, các vật chư vị Mẫu phi sở hữu, đều do Thế Tông Hiến Hoàng đế ban tặng, đến nay Hoàng hậu sở hữu, cũng là Trẫm ban tặng. Những thứ chi phí hay tư vật của Hậu phi, không thể đem đi cho nhà mẹ, mà đồ vật từ nhà mẹ cũng không được phép mang vào trong cung. Về sau nhà mẹ của Hậu phi trừ việc đến vấn an theo lệ, thì không được quá phận"」[18][19]

Chỉ dụ trên rõ ràng cho thấy, Hậu phi triều Thanh 「Chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu」 với bất kỳ vật dụng nào trong cung. Đây cũng là một đặc điểm cực kỳ gắt gao trong lối sống của cung đình triều Thanh. Đến mỗi khi hậu cung chủ vị có sinh nhật, Hoàng đế đều chỉ đặc biệt gia ân ban thưởng[20].

Về phương diện sự vụ Nội đình, tuy rằng Hoàng hậu là 「"Chủ nội trị"」 và Phi tần là 「"Tá nội trị"」, thế nhưng các Hậu phi triều Thanh hoàn toàn không có quyền can thiệp như nhiều sự ngộ nhận cùng lầm tưởng qua tiểu thuyết hay phim ảnh. Thực tế, mọi việc vận hành trong Nội đình đều do Nội vụ phủ quản lý cùng phân phối, từ vấn đề lương thực, sinh hoạt, nhu phẩm và nhân sự như cung nữ đều rơi vào sự xử lý của Nội vụ phủ. Ví dụ như thông lệ cung nữ phục vụ đến 25 tuổi thì có thể xuất cung, cả quá trình đều sẽ do Nội vụ phủ đến trực tiếp từng cung điện mà lên danh sách những ai đạt tiêu chuẩn, tiến hành đối chiếu cùng xác thực, sau đó mới dâng lên cho Hoàng đế ra quyết định sau cùng. Quy trình hoàn toàn không dính dáng một chút gì đến Hoàng hậu có tiếng "Chủ nội trị" hay một Phi tần có quyền "Tá nội trị" nào cả. Những điều này có thể thấy được vai trò Hậu phi trong triều Thanh không liên hệ gì đến 「"Xử lý nội sự"」 một cách thực tế, mà chủ yếu ở phương diện lễ tế (như Thân tàm lễ), hầu hạ Hoàng thái hậu và Hoàng đế, duy trì nếp sống tiết kiệm trong hậu cung, và còn vai trò thiên về hình thức là "làm gương" cho phụ nữ trong thiên hạ. Bỏ qua những khía cạnh gò bó và nặng giáo điều sáo rỗng này, thì cuộc sống của Hậu phi triều Thanh tương đối sung sướng khi ăn mặc cơ bản không cần lo, họ có thể tiếp cận nhiều loại hình giải trí như thăm Ngự hoa viên, đánh đàn, trò chuyện, hay nếu trong cung có tổ chức Kinh kịch thì đều có thể cùng với Hoàng đế thưởng thức.

Về phương diện gia đình, khi con gái một nhà nào đó vào cung làm Hậu cung chủ vị, đặc biệt là Hoàng hậu, thì rất có cơ hội cho gia tộc được đề cao dòng dõi. Đây chính là việc được nâng Kỳ tịch, được ban đất đai cùng các loại tước vị, từ đây cũng trở thành tiền đề cho nhiều nhà tiến vào hàng Thế gia và có con đường hôn nhân “Vòng luân Thế gia” trở nên rộng mở[Chú 14]. Có thể thấy, thiện đãi nhà ngoại của Hậu phi là thiên về phú quý mà không có thực quyền như ngoại thích đời Hán, họ nhìn nhận đây là bàn đạp để một nhà bình thường cũng có thể trở thành Thế gia, từ đó có thể duy trì sung túc qua liên hôn với các nhà Thế gia chính gốc của Bát Kỳ, hoặc tiếp tục thông hôn với Vương phủ hoàng tộc. Cho nên ở đời Thanh, cũng không phải không có nhà muốn đưa nữ nhân của mình hầu trong cung, nhưng đó đều là các Thế gia hết thời xuống dốc, hay các nhà không có căn cơ muốn đổi đời, muốn làm 「“Tân quý”」 mà thôi. Còn đại đa số gia đình người Bát Kỳ không hy vọng con gái mình vào cung làm chủ vị làm gì, bởi vì tuy vào cung là hưởng phú quý, song là cả đời vĩnh viễn mất cha mẹ cùng nhà cửa, chưa kể nhà Thanh luôn đề phòng ngoại thích, gia tộc đang hưng thịnh còn bị hạn chế đường thăng tiến nếu có con gái làm Hậu phi, họ chỉ thắng về "quý" chứ không có "quyền" như ngoại thích triều Hán.

Ngoài ban tước hiệu và nhà cửa cùng đất đai, nhà ngoại thích của Hậu phi đều phải dựa vào thực lực để có thực quyền, chẳng hạn như Sa Tế Phú Sát thị của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu có thể có nhiều người đạt chức quan cao do tự bản thân người trong tộc có chiến công, nhất là Phó Hằng. Dân gian có câu nói về các vị Tú nữ như sau:「“Khứ thất gia, từ phụ mẫu, dĩ nhập cung cấm. Quả đương tuyển, tức chung thân u bế, bất phục kiến kỳ thân, sinh ly tử biệt”; 去室家,辞父母,以入宫禁。果当选,即终身幽闭,不复见其亲,生离死别」. Cho nên mới nói, người Bát Kỳ có rất nhiều thơ mừng em gái, con gái nhà mình được "may mắn" cho lược thẻ bài.

Xưng hô

Từ Hi Hoàng thái hậu đương thời được xưng tụng "Lão phật gia" - một xưng hô cho thấy địa vị lớn của bà.

Vấn đề xưng hô, Thanh triều xuyên việt chỉ nam chỉ ra, các Thái giám cung nữ đều gọi Hậu phi với hậu tố 「Chủ tử; 主子」, như Hoàng hậu thì là "Hoàng hậu chủ tử", nếu là Phi tần thì là danh vị hoặc phong hiệu kèm theo, như Hoàng quý phi thì là "Hoàng quý phi chủ tử", Huệ phi thì là "Huệ phi chủ tử" hoặc "Huệ chủ tử"[21][22]. Một số ghi chép khác còn cho thấy 「Tiểu chủ; 小主」 (từ "Cung nữ đàm vãng lục")[23], 「Tiểu chủ nhi; 小主兒」 (từ "Trân phi mệnh án")[24] hoặc 「Chủ phi; 主妃」 (từ "Hai vị cô mẫu Cẩn phi, Trân phi của tôi")[25], dù những danh xưng này không thông dụng lắm và có ý kiến tranh cãi, có thể chỉ dành riêng cho Thái giám, cung nữ thuộc về cá nhân Hậu phi ấy gọi như vậy.

Căn cứ theo một số hồ sơ về việc dùng than và Để đương ghi chép về phân vị trong cung, thì từ Hoàng hậu lẫn Phi tần ngẫu nhiên được các nô tài gọi chung là 「Nương nương; 娘娘」, không phân biệt dù cho là Thường tại hay Hoàng hậu[Chú 15]. Các Hoàng tử, Công chúa hay ngoại thần đối với các vị Hậu phi có Hoàng tử đều sẽ gọi là 「Ngạch niết; 额捏」 kèm vị hiệu của Hậu phi ấy, và điều này duy trì tận khi các vị Hậu phi đã là góa phụ. Ví dụ như Lệnh Ý Hoàng quý phi Ngụy thị trong thời gian còn là Hoàng quý phi, đã được gọi là "Hoàng quý phi ngạch niết" vì bà là sinh mẫu của các Hoàng tử, Lương phi Giác Thiền thị từng được Ung Chính Đế gọi là "Lương phi ngạch niết" trong văn bản chữ Mãn. Trong văn bản chữ Hán, cách gọi "Ngạch niết" thường được dịch thành 「Mẫu phi; 母妃」[26] hoặc 「Phi mẫu; 妃母」[27], bởi vì "Ngạch niết" có nghĩa là mẹ. Nếu Hậu phi không có con hoặc chỉ có con gái, họ đều sẽ được gọi là "Nương nương", ví dụ có Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị từng được Nhân Tông gọi là "Dĩnh phi nương nương" trong bức thư hỏi về may mặc cho Thái thượng hoàng Càn Long. Bên cạnh đó, Hoàng hậu dù có con hay không, thì vẫn là 「"Hoàng hậu ngạch niết"」 đối với tất cả Hoàng tử Công chúa.

Về phương diện tự xưng, các vị Hậu phi khi trước mặt Hoàng đế và Thái hậu, hoặc Phi tần đứng trước Hoàng hậu, cũng nhất loạt tự xưng 「Nô tài; 奴才」 - một dạng xưng hô của người dưới với "chủ nhân" vào đời Thanh, điều này xuất phát từ ảnh hưởng của chế độ Bát Kỳ. Riêng trong sinh hoạt hằng ngày, các Hậu phi đều tự xưng theo Đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất, phiên ra Hán ngữ tương ứng là 「; 予」 hoặc 「Ngô; 吾」, hoặc thân thiết hơn thì gọi nhau là chị em, còn những từ tự xưng rất thông dụng trên phim ảnh hoặc tiểu thuyết là 「"Bổn cung"」 cùng 「"Thần thiếp"」 lại hoàn toàn không có cứ liệu ghi lại.

Đến với hai người cao nhất trong cung là Hoàng đế và Hoàng thái hậu, thì Hoàng đế được nhóm Hậu phi gọi 「Hoàng thượng; 皇上」, trong khi các nhóm hầu hạ là Thái giám cung nữ lại gọi bằng các xưng hô 「Chủ tử; 主子」, 「Thánh chủ; 圣主」 hoặc 「Vạn tuế gia; 万岁爷」. Bản thân Hoàng đế liền tự xưng là 「Ngã; 我」 tức xưng hô ngôi thứ nhất "Ta", bởi vì trong sinh hoạt thì đời Thanh đều nói âm Mãn, mà âm Mãn tự xưng ngôi thứ nhất đều là "Pi", kiểu xưng 「Trẫm; 朕」 chỉ là hình thức trên văn viết. Đối với Thái hậu, hai từ ["Ngô"] và ["Dư"] cũng được ghi nhận được Thái hậu triều Thanh dùng để tự xưng. Từ Hi Thái hậu được ghi nhận hay tự dùng từ 「Cha gia; 咱家」 để tự xưng, và được phiên thành ["zá jiā"] hoặc ["zǎ jiā"] theo bính âm. Riêng từ 「Ai gia; 哀家」[Chú 16] phổ biến trên phim ảnh và tiểu thuyết lại không hề được ghi chép, từ này được cho là xuất phát từ nghệ thuật sân khấu Hí khúc vào cuối đời Thanh.

Hậu cung đối với Hoàng thái hậu đều gọi 「Thái hậu ngạch niết; 太后额捏」 hoặc "Ngạch niết" bình thường, sang cuối thời Thanh thì lại thịnh hành dùng một danh từ trộn lẫn Hán-Mãn là Hoàng ngạch nương (皇额娘). Riêng những người hầu như Thái giám và Cung nữ tử, họ đều gọi là 「Thái hậu chủ tử; 太后主子」 cùng 「Lão tổ tông; 老祖宗」. Sang thời kỳ cuối của nhà Thanh, Từ Hi Thái hậu được các quan viên và nô tài trong cung gọi bằng một danh từ gây tranh cãi là 「Lão Phật gia; 老佛爷」. Xuất xứ của danh xưng này có nhiều tranh cãi, trước mắt theo nhận định của nhóm học giả Thanh sử thì có lẽ là một dạng xưng hô biến hóa của danh xưng ["Chủ tử"] và ["Phật gia"], những danh xưng đặc thù của người Mãn Châu gọi riêng Hoàng đế, như vậy "Lão Phật gia" biểu thị địa vị của Từ Hi Thái hậu ngang bằng hoặc vượt trội hơn Hoàng đế. Trong khi đó, Đức Tông lại đặc biệt gọi bà là 「Thân ba ba; 亲爸爸」, đây được cho là do ảnh hưởng kiểu 「"Nữ dĩ nam luận"」, tức hiện tượng đem vai vế phụ nữ cao hơn hoặc bằng đàn ông đối với người gọi, một hiện tượng khá phổ biến trong các gia đình Bát Kỳ, nhất là từ Trung kỳ về sau.

Các hạ nhân

Trong hậu cung triều Thanh, ngoài Thái giám và Cung nữ, thì còn vô số các hạng người khác. Trong khi các Cung nữ tử có nhiệm vụ hầu hạ gần gũi với Hậu phi, công việc chủ yếu là thêu thùa và sắp xếp đồ vật, thì Thái giám có thân phận rất thấp nên phải xử lý các vấn đề tạp dịch linh tinh, như quét tước dọn dẹp trong sân đình. Bên cạnh đó, Hậu phi triều Thanh không chỉ có mỗi Thái giám và Cung nữ trực thuộc mình, với một nơi lớn như Tử Cấm Thành thì không thể chỉ dựa vào Thái giám mà vận hành những công việc nặng hoặc quá mức phức tạp như làm đồ thủ công, cho nên mọi vấn đề đều có các thân phận chuyên môn.

Chu cấp cho sinh hoạt của Hậu phi là nhóm 「Nội Quản lĩnh; 內管領」, hay còn gọi là nhóm Tân giả khố. Khái niệm "Tân giả khố" ý chỉ đến "Một nửa Tá lĩnh", là nói đến những người Bao y được phân vào hộ tịch Quản lĩnh. Nguyên nghĩa của Tân giả khố ý là “hộ khẩu ăn lương bằng đấu gạo”, thiên về phụ trách mảng lương thực trong hoàng thất. Bên trong giai cấp Bao y, có "Tá lĩnh" cùng "Quản lĩnh" là hai dạng hộ tịch, đều có thể làm quan và làm việc chân chính. Thế nhưng trong khi Tá lĩnh thiên về thân phận “Tư binh”, thân phận sánh được với nhóm Kỳ phân Tá lĩnh, thì Quản lĩnh lại là “Gia thần” đối với hoàng thất. Cho nên, những công việc “Tiện vụ” hoặc “Khổ sai” trong Hoàng cung hay Vương công phủ đệ đều do những người Quản lĩnh này đảm nhiệm. Đây cũng chính là lý do vì sao, thời Sơ kỳ nhà Thanh thường cho rằng những người Tân giả khố là tương đối đê tiện[Chú 17], dù thực chất họ còn cao hơn Tiện dân gia nô bên ngoài xã hội. Trong cung, nhóm Quản lĩnh được gọi là "Nội Quản lĩnh", phụ trách không chỉ vấn đề vận chuyển lương thực mà còn là gánh củi, gánh nước, nhân sự chuẩn bị các đồ Lỗ bộ như Nghi giá cùng Nghi trượng, thời gian đảm nhiệm là luân phiên theo ca trực. Căn cứ cuốn sách Khâm định Đại Thanh hội điển tắc lệ (欽定大清會典則例) quy định[28]:

  • Cung của Hoàng thái hậu và Hoàng hậu, mỗi cung có 33 đơn vị Nội Quản lĩnh. Đối với cung của Thái hậu thì mỗi Nội Quản lĩnh là 20 người, còn cung thất của Hoàng hậu thì khoảng 15 người. Bên cạnh đó, nơi ở của Thái hậu cùng Hoàng hậu, mỗi người có 4 người Nội Quản lĩnh cùng 2 người Nội Phó Quản lĩnh thường trực;
  • Cung của Hoàng quý phi, có 2 Nội Quản lĩnh, mỗi Nội Quản lĩnh là 18 người, có 1 người Nội Quản lĩnh và 1 người Nội Phó Quản lĩnh thường trực;
  • Cung của Quý phi, Phi và Tần có 1 Nội Quản lĩnh, mỗi Nội Quản lĩnh lần lượt giảm xuống theo thứ tự là 10 người, 7 người và 5 người. Đều có 1 người Nội Quản lĩnh và 1 người Nội Phó Quản lĩnh thường trực;
  • Nơi ở của Quý nhân trở xuống không có đơn vị Nội Quản lĩnh luân phiên lẫn thường trực, mà chỉ có người phục dịch. Theo quy định thì Quý nhân có 3 người, Thường tại có 2 người, mà Đáp ứng cùng Cung nữ tử được sủng hạnh đều không có;

Ngoài ra là các nhóm Phụ nhân (婦人) cùng Tố công nữ tử (做工女子). Đây là hai khái niệm do nhà nghiên cứu Quất Huyền Nhã tạm thời đưa ra, bởi vì văn bản triều Thanh hoàn toàn không gọi chung như vậy mà là rất nhiều khái niệm riêng, có những khái niệm bị trộn với nhóm cung nữ.

  • Các vị "Phụ nhân", ý nói đàn bà đã có chồng, là nói đến Nhũ mẫu, Bảo mẫu và Bà đỡ đẻ trong cung. Chi tiết hơn thì:
    • Nhóm Ma ma (媽媽): là nói đến hai thân phận Nhũ mẫu cùng Bảo mẫu. Bảo mẫu cùng các loại như “Tinh kỳ ma ma” đều là phụ trách dỗ em bé và công việc lớn nhỏ xung quanh chủ tử. Còn các Nhũ mẫu chỉ có nhiệm vụ cho bú sữa mẹ. Không chỉ đời Thanh, nhiều triều đại khi viết trên văn bản, thậm chí quan điểm hiện đại ngày nay, cũng không thường đem hai khái niệm “Bảo mẫu” cùng “Nhũ mẫu” phân biệt rõ ràng, đôi khi là Nhũ mẫu cũng lại viết thành Bảo mẫu.
      Hai dạng người này đều là dạng “Trưởng bối” bán chính thức do Hoàng gia xem trọng, đãi ngộ của họ là hàng cao nhất trong các phụ nữ phục dịch hoàng thất. Trong đó Nhũ mẫu được Hoàng tử, Công chúa xem như là "Bán sinh mẫu" bởi vì họ được các vị Nhũ mẫu này nuôi nấng từ nhỏ. Khi Hoàng tử lớn lên xuất cung lập phủ, hoặc lên ngôi Hoàng đế, đều sẽ có truyền thống thiện đãi Nhũ mẫu như nâng Kỳ tịch cho toàn bộ người nhà, chồng hoặc con trai của Nhũ mẫu đều sẽ có tập tước thế chức, thậm chí là tâm phúc cho Hoàng đế hoặc Hoàng tử do Nhũ mẫu nuôi nấng. Con gái của Nhũ mẫu đều được miễn Tuyển tú, bởi vì Nhũ mẫu thường được xem ngang với mẹ đẻ, nên con gái Nhũ mẫu giống như "Tỷ muội" với Hoàng đế. Hai dạng người này đều là Nội vụ phủ Tam kỳ, riêng Nhũ mẫu là phải mới vừa sinh xong con cái, không có kỳ hạn công tác cố định. Khi về già, Hoàng đế và Hoàng tử đều sẽ tự mình thiện đãi họ. Trường hợp các Nhũ mẫu và Bảo mẫu không có nơi nương tựa, thì trong cung cũng sẽ cấp riêng một khu dành cho họ an dưỡng tuổi già, căn bản không ai bạc đãi được họ.
      Về lương bổng, căn cứ triều Đạo Quang quy định:「"Nhũ mẫu, mỗi năm cấp cho Vân lụa, Y tố lụa, Phưởng ti, Sa, Lăng, Miên trừu cùng Vải đay mỗi thứ một xấp, vải Bố màu Lam sậm cấp 4 xấp, Bông 3 cân, mỗi tháng 2 lượng bạc, 2 hộc gạo, mỗi ngày cho 1 cân thịt heo, gạo 7 hợp 5 chước, rau cỏ tùy mùa 12 lượng, muối đen 3 tiền. Bảo mẫu, mỗi tháng cho 2 lượng bạc, 2 hộc gạo, mỗi ngày cho 1 cân thịt heo, gạo 7 hợp 5 chước, rau cỏ tùy mùa 12 lượng, muối đen 3 tiền"」.
    • Nhóm Lão lão (姥姥): nhóm đàn bà sai vặt rất đặc trưng của triều Thanh, công việc chủ yếu là giúp sinh đẻ và tiến hành lễ "Tẩy tam" (洗三), một loại nghi lễ cổ, vào ngày thứ 3 sau khi sinh đứa bé thì sẽ tiến hành tắm rửa. Nhân số Lão lão trong cung rất ít, bình thường chỉ cùng lúc có 5 người, mỗi khi có thời điểm sinh nở thì sẽ được phái đến, phụ trách chuyên môn đỡ đẻ. Mỗi lần làm việc, họ đều có thu nhập riêng. Năm Ung Chính thứ 8, ngày 4 tháng 5, Trưởng nữ của Nhị thập nhị a ca Dận Hỗ tiến hành Tẩy tam, Lão lão Quách thị cùng Vương thị, mỗi người thưởng 5 lượng bạc. Có thể thấy được mỗi lần như vậy thu nhập, là tương đối cao. Có người thống kê qua, từ năm Ung Chính thứ 8 đến năm thứ 13, Lão lão Quách thị tiến hành Tẩy tam 11 lần, cộng 55 lượng bạc; còn Vương thị 13 lần, là 65 lượng bạc.
  • Các vị "Tố công nữ tử" đều là nhóm đàn bà đã có gia đình xuất thân từ Tân giả khố, nhiệm vụ của họ là vào cung làm tạp dịch theo nghĩa vụ. Trên văn bản chữ Hán của triều Thanh, họ được gọi bằng rất nhiều danh xưng và rất hay bị lẫn với nhóm cung nữ như Nữ tử (女子), Sử hoán nữ tử (使唤女子), Sử nữ (使女), Gia hạ nữ tử (家下女子), Bao y nữ tử (包衣女子), Ma ma lý (媽媽里), Tân giả khố phụ nhân (辛者庫婦人) hoặc Phụ nhân (婦人).
    • Công việc của họ là tạp vụ, những công việc may vá cần chuyên môn hoặc số lượng lớn trong Nội cung, không tiện cho nhóm đàn ông tạp dịch "Tô lạp" phụ trách thì họ đều sẽ đảm nhiệm. Đây là nhóm phụ nữ có số lượng đông đảo nhất trong cung đình nhà Thanh, nhưng lại chỉ có tính chất lâm thời. Bởi vì bọn họ sinh ra đã là "Bao y Quản lĩnh", những công việc này thuộc về bổn phận cơ bản, cứ đến thời điểm đều sẽ triệu tập làm việc, cho nên hạn định thời gian làm việc đều chỉ là có vài năm. Bọn họ không thuộc chính thức về Hoàng cung, cho nên hẳn là làm việc theo ca, sau khi xong việc thì chia nhau ra về.
    • Căn cứ vào ghi chép, số lượng của họ gấp mấy lần con số 3.000 Thái giám thường trực trong cung:「"Ung Chính nguyên niên tháng 10 ghi lại: Kim chỉ phụ nhân 386 người, Thực phẩm gia công phụ nhân 3740 người, những Phụ nhân chuyên giặt rửa, bưng bê nước và xem xét đèn dầu có 1067 người, tổng lại Tân giả khố phụ nhân là 5193 người. Năm Càn Long thứ 15, tháng 10, Kim chỉ phụ nhân 4614 người, dự bị xem xét đèn dầu và làm sạch nước có 826 người, cộng lại 5440 người"」. Hai ví dụ này cũng chỉ ra, nhân khẩu Tố công nữ tử luôn là rất cao, là hạng người đông nhất trong cung đình.
    • Về lương bổng, theo triều Đạo Quang quy định:「"Gia hạ nữ tử (ý chỉ Tân giả khố phụ nhân), mỗi năm 5 lượng bạc, các vải Xuân trừu, Miên trừu, Bố màu Lam sậm cùng vải Đay mỗi thứ một xấp, vải Bố lông xanh lục 2 xấp, Bông 2 cân. Mỗi ngày thịt heo nửa cân, gạo Bạch lão 7 hợp 5 chước, rau cỏ theo mùa 12 lượng, muối đen 3 tiền"」.

Ngoài ra trong cung còn có một nhóm đàn ông làm tạp dịch được gọi là Tô lạp (苏拉; sula), có nghĩa là "Những người nhàn nhã", chỉ đến hạng người thất nghiệp trong Bát Kỳ. Trong hệ thống Nội vụ phủ, ngoài hơn 3.000 Thái giám, thì các Tô lạp chính là nòng cốt làm những việc nặng nhọc trong ngoài cung. Khác với Thái giám đã bị hoạn và phục vụ trực tiếp trong Nội cung, các Tô lạp đều là đàn ông có gia đình bình thường, xuất thân từ Nội vụ phủ Bao y[29]. Vì lý do này, khi trong cung có các việc cần đến Tô lạp, hồ sơ trong cung đều phải ghi rõ chỗ nào dùng Tô lạp bao nhiêu người, tốn bao nhiêu tiền ăn, sau đó đều phải báo lên Hoàng đế. Ví dụ hồ sơ năm Càn Long thứ 26, tháng 10, việc dùng Tô lạp được ghi lại hơn 40 lần, chẳng hạn:「“Thu thập đồ vật ở Mậu Cần điện dùng Tô lạp 4 tên... Đưa tế phẩm đến Khôn Ninh cung vãng đường dùng Tô lạp 12 tên”」.

Có thể thấy, Thái giám có chuyên chức hầu hạ và sai dịch lặt vặt, phần nhiều không là những việc không đụng đến kỹ thuật, những chuyện cần kỹ thuật căn bản không thể sử dụng Thái giám. Số lượng Thái giám trong cung nhà Thanh, tuy có hơn 3.000 người nhưng lại là con số rất bé nhỏ nếu so với nhà Minh, cũng là bởi vì nhà Thanh có một lượng lớn "Nội vụ phủ Bao y hạ nhân" chuyên việc tạp vụ như vậy, đây cũng là điểm đặc biệt của cung đình triều Thanh.